RSS

27 Jun

Những đám mưa đầu mùa nặng hạt đã tưới mát các miếng ruộng trên và vườn đồi, khiến cho cây cối xanh tốt trở lại sau nhiều tháng trơ cành chịu hạn. Tận dụng lợi thế này, bà con nông dân tranh thủ gieo sạ lúa, trồng trọt cây ăn trái và chăm sóc màu để cải thiện kinh tế gia đình.

Mùa này đi ngang hương lộ 17B, khí hậu mát mẻ, cây cối đâm chồi nảy lộc xanh tươi, trông mướt mắt. Dưới những tán vườn, rừng, bà con nông dân đang lom khom cuốc đất, lên liếp trồng rẫy. Ghé thăm gia đình của anh Nguyễn Văn Năm, nhà ở sau lưng núi Cấm thuộc ấp Ba Xoài, xã An Cư (Tịnh Biên), anh hồ hỡi: “Hổm rài mưa lớn thấy mà ham! Tôi phải tranh thủ dọn sạch cỏ những khu đất để trồng tiếp giống mì xanh. Vụ rồi, tôi trồng được 5 công mì xen canh dưới tán vườn xoài, năng suất 4 tấn/công, bán với giá 2.500 đồng/kg, sau khi trừ đi tất cả chi phí còn lời hơn 4 triệu đồng/công. Cây mì rất dễ trồng nên mùa mưa năm nay tôi tiếp tục canh tác, nếu giá vẫn ở mức 2.500 đồng/kg thì dân trồng mì sẽ hốt bạc”. Do đặc tính dễ trồng, thích nghi với thổ nhưỡng đồi núi và chịu hạn tốt, nên cây mì được bà con canh tác rất nhiều. Anh Cường cho biết thêm, hiện đang vào cao điểm mùa mưa, ngoài cây mì, các loại cây ăn trái như: Mãng cầu ta, mít, chuối cũng cho trái oằn sai, đây là thời điểm làm ăn thuận lợi nhất trong năm.

Cây trái xanh tốt trong mùa mưa ở vùng cao Bảy Núi.

Vùng đất này được thiên nhiên ban tặng sự màu mỡ mà không nơi nào ở vùng Bảy Núi sánh bằng. Nhiều gia đình từ Lương Phi, Ba Chúc, Châu Lăng (Tri Tôn) đến đây lập nghiệp từ vài chục năm trước đến nay đã trở nên khấm khá hơn. Để đa dạng hóa cây trồng vùng đất núi, nông dân còn trồng các loại cây ngắn ngày như: Sắn, dưa leo, ớt hiểm núi, đậu đũa, đậu que ngon hơn so với miệt đồng bằng. Trong số hàng loạt cây màu phải kể đến trái ớt hiểm núi, có vị cay nồng và thơm nổi tiếng của vùng Bảy Núi. Một bạn hàng Campuchia hết lời khen: “Ớt núi ở đây ngon, thơm hơn loại ớt trồng ở đồng bằng. Ngoài ra, những sản phẩm rau màu mùa này cũng xanh non và giữ được lâu, người dân các chợ Tà lợp, Tà Keo rất ưa chuộng”. Ngày nay, đường sá trải nhựa phẳng phiu, xe chạy một mạch đến tận vườn. Chiều chiều, sơn dân thu hoạch màu rồi gánh hàng xuống núi cân cho mối lái. Theo đó, đồ rẫy sẽ được bạn hàng tải thẳng về biên giới qua nhánh Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên và Cửa khẩu Xà Xía (Kiên Giang).

Ngoài canh tác lúa mùa trên, mùa mưa năm nay, bà con dân tộc Khơ-me tại các xã Văn Giáo, Vĩnh Trung, An Cư còn mạnh dạn canh tác cây đậu phộng giống TB 25 trên vùng đất ruộng trên, đất bạc màu. Nông dân Chau Bâu, ngụ ấp Mằng Rò, xã Văn Giáo trồng 4 công đậu phộng bộc bạch: “Trước mưa khoảng 4 tuần tôi đã cày ải, bắt giồng, sau đó mua giống đậu phộng về gieo trước. Khi mưa xuống đậu phộng “moi đất” trồi lên rất tốt. Tháng này năm ngoái, gia đình tôi cũng trồng đậu phộng, bán với giá 130.000 đồng/giạ, mặc dù giá đậu giảm 50.000 đồng/giạ do giống đậu phộng bản địa bị thoái hóa, năng suất kém hạt lép nhiều nên lái chê. Trong năm nay, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đưa giống mới về trồng để cải thiện năng suất và chất lượng trong quá trình canh tác. Đây là năm thứ 3, tôi canh tác đậu phộng trên phần đất ruộng trên đạt hiệu quả kinh tế đáng kể cho gia đình. Các năm trước do chưa được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ giống sản xuất nên ông Chau Bâu chỉ trồng 1 vụ lúa Nàng Nhen, năng suất bấp bênh, thiếu ăn quanh năm. Thế nhưng, từ khi có cán bộ khuyến nông huyện đến mở lớp tập huấn hướng dẫn cách trồng đậu phộng mà ông Chau Bâu đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. “Ăn cây mì xong, tôi bắt đầu cày ải, bón phân chuồng, sau đó nhận 70 kg đậu phộng giống về trồng. Trồng đậu phộng hiệu quả gấp 3 lần trồng lúa, mặt khác rất dễ trồng và ít tốn công chăm sóc….”- ông Chau Bâu phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Cuộc, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tịnh Biên cho biết: “Huyện Tịnh Biên có địa hình bán sơn địa, với diện tích tự nhiên trên 35.000 héc- ta, trong đó vùng đồi núi là 6.330 héc- ta, vùng đồng bằng ven chân núi 8.900 héc- ta. Nhiều năm qua, tận dụng lợi thế này, bà con nông dân đã tiến hành lập vườn, trồng hoa màu, cây ăn quả theo đồi núi, đất ruộng trên để tăng thu nhập. Ngoài ra, ngành chức năng địa phương cũng mở nhiều lớp tập huấn, triển khai nhiều mô hình làm ăn hiệu quả cho bà con. Riêng năm nay, từ đầu mùa mưa, Hội Nông dân huyện còn triển khai cho nông dân trồng khoảng 2,5 héc- ta cây dược liệu như: Gừng gió, nghệ xà cừ, ngải sậy đến nông dân tại các xã An Phú, An Hảo, An Cư xen canh dưới tán vườn, tán rừng, vùng đất cát núi. Sau khi thu hoạch, nông dân sẽ được Công ty DOMESCO bao tiêu sản phẩm với giá 15.000 đồng/kg (gừng gió); ngải sậy, nghệ xà cừ 20.000 đồng/kg. Nếu mô hình trồng dược liệu được áp dụng hiệu quả sẽ góp phần đa dạng hóa cây trồng, bảo tồn nguồn gen dược liệu và tăng thu nhập cho bà con nông dân vùng Bảy Núi”.

Bài, ảnh: THÀNH CHINH


 
Leave a comment

Posted by on June 27, 2011 in Tin tức

 

Leave a comment